Xảy ra nhiều biến động, thị trường bất động sản (BĐS) tại TP.HCM nói riêng và các tỉnh, thành phía Nam nói chung hiện đang dần thích ứng và ổn định trở lại. Dù khó khăn, thị trường BĐS không rơi vào trạng thái “bong bóng” mà chỉ suy giảm, chênh ở một số phân khúc về tỷ lệ hấp thụ. Theo dự báo của các chuyên gia BĐS, trong quý IV/2022, thị trường BĐS sẽ có sự khởi sắc, bứt phá.
Thị trường bất động sản cuối năm – Khách hàng vay vốn lớn, dễ “ngộp thở”
Thị trường bất động sản TP.HCM đã có dấu hiệu giảm tốc, trầm lắng khi giao dịch nhà đất sụt giảm 50%, nhưng giá nhà đất vẫn neo cao.
Nhận định thị trường TP.HCM đã có dấu hiệu dần phục hồi nhưng theo HoREA, tổng thể vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn cung 9 tháng có 11.600 căn nhà, tăng 70,5% so với cùng kỳ 2021, nhưng số lượng nhà ở này cũng chỉ bằng khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhà ở bình dân 9 tháng qua tiếp tục không có (0%), thay vào đó là nhà ở cao cấp.
Theo đó, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu giảm tốc, trầm lắng khi giao dịch nhà đất sụt giảm 50% nhưng giá nhà đất vẫn còn neo cao. Lý giải về điều này, HoREA cho rằng doanh nghiệp và cả nhà đầu tư có tâm lý kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm, cụ thể là thời điểm trước Tết âm lịch.
Tuy nhiên, do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, thường chiếm đến 50-70%, nên sức chịu đựng có hạn, đến một thời điểm không chịu đựng nổi, có thể đành “xả hàng”, thậm chí chấp nhận “bán lỗ” để cắt lỗ.

Liên quan đến vấn đề siết tín dụng vào bất động sản, các chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu tích cực, vì điều này cho thấy thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Theo đó, chỉ những chủ đầu tư thật sự có nguồn lực về tài chính và phát triển bền vững thì họ sẽ tiếp tục tồn tại trên thị trường. Trong khi, chủ đầu tư phụ thuộc vào vốn vay và không có quy trình phát triển bền vững thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đòn bẩy giúp thị trường bất động sản tăng tốc dịp cuối năm
Thời gian qua thị trường BĐS giống như một “chiếc lò xo nén chặt” bởi nhiều “lực nén”, nổi cộm nhất là chính sách pháp lý. Khi những vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, thị trường sẽ có sức bật mạnh mẽ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nhiều bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS đang dần được giải quyết thông qua việc sửa đổi một số dự thảo Luật sắp tới. Bên cạnh đó, vấn đề lạm phát cũng đã được Nhà nước kiểm soát tốt bằng những chính sách linh hoạt và phù hợp, đây là “bàn đạp” để phân khúc nhà ở phục hồi so với những quý đầu năm.
Tuy nhiên, trên thực tế, các vướng mắc pháp lý của các dự án BĐS đã tồn tại từ nhiều năm nay, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chính vì thế rất cần sự nỗ lực và sát sao của các cơ quan có thẩm quyền liên quan để “cởi trói” pháp lý cho các dự án, chủ đầu tư, qua đó giúp thị trường BĐS có xung lực để hồi phục và tăng trưởng trong quý 4/2022 và những quý tiếp theo.

Ông David Jackson – Tổng Giám đốc Công ty Colliers Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS những năm gần đây như một “chiếc lò xo bị nén”. Khi các khó khăn về chính sách được tháo gỡ, thị trường sẽ có một sức bật mạnh mẽ. Tuy nhiên, các vướng mắc pháp lý của dự án BĐS khó có thể giải quyết được trong một thời gian ngắn. Vì vậy, rất cần sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vấn đề của thị trường BĐS hiện nay, đảm bảo đủ để các chủ đầu tư, nhà đầu tư có thêm niềm tin vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường BĐS trong thời gian tới.
Nhận định về việc nới room tín dụng thêm 1% – 2% cho các ngân hàng, ông Châu cho rằng đây chưa hẳn là “liều doping” cần thiết đối với thị trường BĐS. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nâng room tín dụng cả năm 2022 từ 14% theo kế hoạch lên 15% – 16%, tương đương sẽ có thêm 200.000 tỷ đồng nữa được “bơm” vào nền kinh tế.
Mặc dù vậy, thông tin nới room tín dụng vẫn sẽ mang lại tác động tích cực cho lĩnh vực BĐS. “Việc các ngân hàng được nới room tín dụng sẽ tăng khả năng cho vay của các ngân hàng dựa trên vốn mình có, và điều này cũng sẽ có lợi cho lĩnh vực bất động sản. Nhiều doanh nghiệp, khách hàng đã vay được tiền và họ tiếp tục bơm lượng tiền đó cộng với vốn tự có ra ngoài thị trường. Từ đây đã lan tỏa đến các phân khúc giúp thị trường khởi động mạnh trở lại”, lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS nhận định.
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán dự đoán thị trường BĐS trong 3 tháng còn lại của năm 2022 sẽ hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực như: GDP tăng trưởng ổn định, các “nút thắt” pháp lý dần được cởi bỏ, quy hoạch hạ tầng bài bản đồng bộ, nới room tín dụng nhằm phục hồi kinh tế.